Lượt xem: 610

Anh Cao Đức Lộc vẽ ảnh Bác bằng cả trái tim

Sinh ra với bàn tay khuyết tật nhưng anh Cao Đức Lộc ở ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên chưa bao giờ tự ti hay mặc cảm với thân thể vốn không lành lặn của mình, mà anh xem đó là động lực để phấn đấu vượt lên số phận. Hằng ngày sau những giờ lao động vất vả, tối về nhà anh lại âm thầm kể những câu chuyện về Bác qua nét vẽ tài hoa để khắc họa chân dung của Người bằng tất cả tình yêu thương, kính trọng dành cho Bác Hồ.

    Vốn “thần tượng” Bác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Lộc luôn noi theo tấm gương của Người để phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Anh Lộc bộc bạch: “Học Bác để trở thành người có ích cho xã hội, nên tôi ý thức được những khiếm khuyết của bản thân, tôi không bao giờ rụt rè, ái ngại trước ánh nhìn của bạn bè cùng trang lứa, mà thay vào đó tôi tự nhủ phải nỗ lực gấp bội lần, không để cha mẹ lo lắng, nhằm đáp lại tình thương bao la mà đấng sinh thành dành cho mình”. Tuy thiếu mất bàn tay phải, nhưng với bàn tay còn lại, anh Lộc vẫn có thể làm mọi thứ, từ việc chăm sóc bản thân, đạp xe đến lớp, viết bài và trở thành sinh viên của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh và có cơ duyên được vẽ ảnh Bác nhưng vì cuộc sống nên đành gác lại đam mê.


Hàng ngày sau những giờ lao động vất vả, tối về anh Cao Đức Lộc lại âm thầm kể những câu chuyện về Bác qua nét vẽ tài hoa để khắc họa chân dung của Người. Ảnh M.Linh

    Anh Lộc vẫn còn nhớ, sau khi ra trường và lập gia đình, anh đành “xếp cọ” lại, chạy đôn, chạy đáo lo cơm áo gạo tiền cho vợ con. Nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, vợ chồng chia tay để lại đứa con trai cho anh nuôi dưỡng. Không một lời oán trách anh lặng lẽ làm cảnh “gà trống nuôi con” suốt thời gian qua. Giờ hạnh phúc của anh là mỗi buổi sáng được đưa con đến trường, sau đó đi làm nghề yêu thích, cũng là nghề kiếm sống - đó là “hội họa” và tối về thỏa niềm đam mê vẽ ảnh Bác bên cạnh tiếng học bài i, a của con. Anh Lộc cười tươi chia sẻ: “Nói hội họa cho sang chứ thực chất là vẽ tranh, ảnh cho các trường mẫu giáo hay quán cà phê, thỉnh thoảng thì có doanh nghiệp, công ty thuê vẽ logo, tiền công cũng đủ cho 2 cha con có cái ăn, cái mặc và việc học hành của con”.

    Riêng việc vẽ ảnh Bác Hồ anh Lộc cho biết, trong lúc học tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, có một học phần bắt buộc vẽ chân dung lãnh tụ, đó là lần đầu tiên anh vẽ ảnh Bác. Theo anh Lộc, sau khi xem qua nhiều hình ảnh khác nhau thì ảnh Bác cho anh một cảm xúc vượt bậc, cháy bỏng, trào dâng như thúc giục anh và anh biết mình chỉ thực sự làm tốt khi vẽ ảnh Bác Hồ. Và thế là nghề “tay trái” được anh làm bằng chính “bàn tay trái” này theo anh đến tận bây giờ. Hằng ngày, sau những giờ vất vả mưu sinh, đêm đến anh lại miệt mài vẽ ảnh Bác bằng cả trái tim, niềm tôn kính. Anh Lộc cho rằng, khi vẽ ảnh Bác thì những cơ cực, muộn phiền trong cuộc sống đều tan biến, trong tâm trí anh lúc đó chỉ còn hình ảnh một “Cụ Hồ” với bộ râu dài, đôi mắt hiền từ, gương mặt phúc hậu và chất giọng đậm chất Nghệ An. Một con người rất đỗi bình dị nhưng cao cả, vĩ đại và có trái tim vô cùng nhân hậu. Đặc biệt, dù là người lãnh đạo trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn dành thời gian đến thăm tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

    Đến nay, kho báu của anh Lộc là gần 20 ảnh Bác, ẩn phía sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện về Người. Như bức vẽ Bác ôm cháu bé, anh Lộc muốn kể câu chuyện về tình yêu thương mà Bác dành cho các cháu thiếu nhi cả nước. Anh Lộc cho biết, lúc còn bé anh và các bạn hay hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam, Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh, Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài, Bác chúng em nước da nâu vì sương gió… Hồ Chí Minh kính yêu chúng em kính yêu Bác Hồ Chí Minh trọn một đời, Hồ Chí Minh kính yêu chúng em ước sao Bác Hồ Chí Minh sống muôn đời”. Khi trưởng thành, tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời Bác, anh mới hiểu được hết ý nghĩa của bài hát này. Do đó, khi hoàn thiện bức ảnh Bác Hồ ôm cháu thiếu nhi, anh đã dành tặng cho trường mẫu giáo trên địa bàn huyện.

    Để có thể vẽ tốt ảnh Bác, anh Lộc đều sưu tầm, tìm hiểu về sự nghiệp và con người của Bác. Khi nắm rõ, hiểu sâu anh mới phát họa ảnh Bác một cách cẩn thận, chia tỷ lệ từng mi li mét trên vải bố thật tỉ mỉ, bởi sai một li thì đi một dặm và bức chân dung ấy coi như hỏng. Vẽ ảnh Bác dễ nhưng rất khó vì Bác quá đỗi gần gũi, giản dị nhưng lại là một vị lãnh tụ tài ba, nên anh Lộc bao giờ cũng phải xem ảnh gốc mới dám vẽ. Từ cái cúc áo, nếp gấp tay áo, biểu cảm ánh mắt, khuôn miệng… nhưng khó nhất là vẽ đôi mắt, bộ râu vì nó toát lên cốt cách con người Bác. Trước đây, anh Lộc vẽ ảnh trắng đen nhưng dần về sau anh chuyển sang vẽ sơn, hàng chục bức vẽ về Bác được anh tái hiện bằng bàn tay trái tài hoa của mình và tất cả các bức ảnh về Bác đều được anh gửi tặng các cơ quan, đơn vị trong huyện, bạn bè chí hữu và anh đang ngõ ý muốn tặng một bức ảnh về Bác cho một đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh, vì đối với anh ảnh Bác là vô giá.

    Càng tìm hiểu về Bác, anh càng kính yêu Người và muốn vẽ thật nhiều ảnh về Bác trong tương lai, thông qua đó để truyền tải những câu chuyện về vị cha già kính yêu của dân tộc mà ai cũng gọi bằng Bác đến với mọi người. Bởi từ rất lâu, Bác Hồ là “tượng đài” trong lòng anh Lộc.

    Anh Lộc chia sẻ: “Để có được nghị lực trong cuộc sống, tôi luôn noi theo tấm gương của Bác, sống chan hòa, không tự ti, bi quan, vấp ngã phải tự đứng lên, thắng không kêu, bại không nản và luôn hướng về tương lai, cố gắng làm việc thật tốt để nuôi dạy con trai nên người. Tạo hóa lấy đi cánh tay phải nhưng đổi lại cho tôi bàn tay trái có thể vẽ được ảnh Bác, đó là may mắn, hạnh phúc không thể mua được tiền”.

    Anh Lộc cho biết thêm, hiện anh đang ấp ủ vẽ một bức chân Bác đang ngồi đút cơm cho một em bé ở chiến khu, một hình ảnh rất bình dị nhưng toát lên một câu chuyện vĩ đại về tình yêu bao la mà Bác dành cho thiếu nhi. Với mong muốn truyền thông điệp yêu thương đến với mọi người, bởi mục đích của “hội họa” là làm cho xã hội đẹp hơn.

M.Linh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 387
  • Trong tuần: 70,814
  • Tất cả: 11,802,821